Cách tiếp cận của Triệu Cúc Anh nhằm thúc đẩy học sinh học tập chăm chỉ hơn vô cùng đơn giản: đập vỡ đồ chơi của trẻ bằng búa và đánh bằng roi mây nếu chúng lười biếng.

Cựu giáo viên này đã nổi lên như một nhân vật có ảnh hưởng trong các nền tảng giáo dục trên mạng xã hội Trung Quốc bằng cách ủng hộ các hình thức kỷ luật hà khắc kiểu cũ. Nhưng cách tiếp cận mạnh mẽ của bà đang gây ra tranh cãi ở một đất nước mà nhiều người coi những phương pháp này đã lỗi thời và gần như bất hợp pháp.

'Siêu bảo mẫu' Trung Quốc gây tranh cãi với phương pháp cực đoan

Triệu đã trở nên nổi tiếng nhờ quay một chương trình cho Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, có nội dung gần giống với chương trình truyền hình thực tế “Supernanny” (Siêu bảo mẫu). Trong mỗi tập, các bậc cha mẹ lo lắng mời Triệu đến nhà để giúp họ khuyến khích con cái ở tuổi thiếu niên học tập chăm chỉ hơn.

Triệu Cúc Anh đang cố gắng thuyết phục một cô gái vứt bỏ đồ chơi và truyện tranh yêu thích của mình. Ảnh: weibo

Triệu sau đó sẽ bắt đầu nhiệm vụ của mình một cách thích thú, bắt bọn trẻ phải thực hiện một loạt các biện pháp kỷ luật khắc nghiệt nhằm buộc chúng chỉ tập trung vào việc học ở trường của mình. Sau 40 tập, chương trình đã trở nên vô cùng nổi tiếng: Triệu đã thu hút hơn 400.000 người theo dõi trên Douyin kể từ khi cô tham gia nền tảng này vào cuối năm ngoái.

Nhưng những video mới nhất trong số này đã khiến Triệu gặp rắc rối trong tuần này do nội dung cực kỳ nhạy cảm của chúng. Trong một tập, Triệu đến thăm một học sinh cấp hai họ Hoàng ở thành phố Tô Châu, miền đông Trung Quốc. Để loại bỏ mọi thứ gây xao nhãng khỏi việc học, đầu tiên bà hướng dẫn Hoàng đập vỡ bộ sưu tập ô tô đồ chơi và mô hình Gundam của mình bằng búa.

Triệu sau đó dùng một cây roi mây đánh vào lòng bàn tay và thân trên của Hoàng để trừng phạt đứa trẻ vì sự lười biếng trong quá khứ của mình. Dưới ánh mắt vô cảm của mẹ cậu bé, Triệu hét lên:

“Những món đồ chơi này có giúp con cải thiện điểm toán hay tiếng Anh không? Nếu con không vào được cấp 3, con thậm chí còn không có cơ hội để thi đại học. Không cô gái nào học đại học đàng hoàng sẽ lấy con đâu".

Trong một tập gần đây khác, Triệu ra lệnh cho một học sinh cấp hai khác vứt tất cả thú nhồi bông, hình dán và đồ trang trí trong phòng ngủ của mình vào thùng rác. “Con là học sinh cấp hai chứ không phải đứa bé còn mặc bỉm", bà nói khi cô gái lặng lẽ làm theo.

Hai video này đã nhanh chóng trở thành một trong những tập phim được xem nhiều nhất của Triệu, nhưng chúng cũng đã gây ra phản ứng dữ dội trong tuần này. Kênh Douyin của Triệu đã tràn ngập bình luận từ người dùng lên án các phương pháp của cô. Một số hashtag liên quan đã trở thành chủ đề thịnh hành trên nền tảng tiểu blog Weibo.

Nhiều người dùng cho biết cách tiếp cận giáo dục của Triệu - với phong cách hung hăng, tập trung ám ảnh vào việc nâng cao điểm thi của học sinh và sử dụng rộng rãi hình phạt thể xác - khiến họ nhớ lại những trải nghiệm thời thơ ấu của chính mình. Trong những thập kỷ trước, tư duy “học tốt, đời tốt” phổ biến trong các gia đình Trung Quốc, và các bậc cha mẹ thường sẵn sàng sử dụng các chiến thuật cứng rắn để đạt được mục tiêu mong muốn là cho con cái họ một nền giáo dục tốt.

Nhưng Trung Quốc đang ngày càng rời xa tâm lý này. Các nhà chức trách đã thực hiện một số chính sách nhằm giảm bớt áp lực đối với học sinh trong bối cảnh tỷ lệ mắc các rối loạn lo âu ở trẻ em trong độ tuổi đi học gia tăng đáng lo ngại.

Trung Quốc cũng đã thông qua Luật sửa đổi về Bảo vệ trẻ vị thành niên vào năm 2020, trong đó cấm bạo lực đối với trẻ em ở trường học, gia đình và các cơ sở chăm sóc.

Nhiều bậc cha mẹ bày tỏ sự cảm thông đối với các học sinh xuất hiện trong video của Triệu. Một số người nói rằng hành động của Triệu là một hình thức bắt nạt chứ không phải giáo dục, trong khi những người khác nói rằng họ quan ngại về sức khỏe tinh thần của những đứa trẻ.